Trong muôn loài do đấng tạo hóa sinh ra con người đứng ở vị trí tối thượng, chiếm một địa vị độc tôn. Địa vị cao quý đó mà con người có được chính là nhờ ở ý thức, ở khả năng tư duy, ở hoạt động của bộ não con người. Nhờ có ý thức, con người phản ánh thế giới. Và không chỉ phản ánh, ý thức còn góp phần sáng tạo ra thế giới. Một sự sáng tạo lớn lao, kỳ diệu và thật là bất tận trong đời sống con người. Ý thức con người là sự phản ánh thế giới. Điều này chúng ta đã biết. Nhưng sự phản ánh của ý thức là một dạng phản ánh cao nhất trong mọi dạng thức phản ánh của vật chất - Phản ánh sáng tạo. Không một dạng thức nào của vật chất trong thế giới khách quan có được sự phản ánh sáng tạo như ý thức. Giới vô cơ chỉ có phản ánh thụ động. Tức là sự phản ánh không có lựa chọn, định hướng. Giới hữu cơ, sinh vật – loài có sự sống thì phản ánh đã có sự lựa chọn, định hướng và ở những mức cao hơn như cảm ứng ở thực vật, phản xạ ở động vật. Đặc biệt là ở động vật có bộ não và hệ thần kinh trung ương thì phản ánh đã ở dạng tâm lý động vật – mức phản ánh cao nhất khi chưa có ý thức của con người ra đời. Nhưng ngay cả tâm lý động vật cũng không thể có được phản ánh sáng tạo như ý thức. Con vật cũng có trí khôn, trí nhớ. Con hổ biết rình mồi, biết kiếm ăn. Con chó biết nịnh chủ, biết chủ gọi đúng tên mình thì về. Con khỉ biết cõng con, biết đi xe đạp... những điều ấy làm ta tưởng như con vật có ý thức. Nhưng không, con vật không hề có ý thức vì đó không phải là phản ánh sáng tạo. Tạo hóa chỉ cho con vật có hoạt động bản năng mang tính di truyền từ đời này qua đời khác và không có sự thay đổi, phát triển. Đời này nó biết làm những việc ấy và mãi đời sau cũng chỉ biết có vậy. Hơn nữa con vật không hiểu biết gì về thế giới. Con hổ biết rình mồi nhưng nó hoàn toàn không biết con mồi của nó là gì. Con vật cũng ăn nhưng không biết là đang ăn cái gì, thức ăn đó được lấy từ đâu, cấu tạo, chất dinh dưỡng của nó ra sao. Tại sao phải ăn và làm thế nào để có thức ăn. Con khỉ đi xe đạp nhưng nó không biết đi xe đạp để làm gì. Và chiếc xe đạp nó đang đi là cái gì. Con vật sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Ngoài những thứ có sẵn trong tự nhiên nó không tạo ra được một thứ gì cho thế giới. Nếu những thứ cần cho nó trong tự nhiên không còn nữa con vật chỉ còn cái chết. Ý thức con người lại khác. Con người phản ánh thế giới nhưng là sự phản ánh của hiểu biết. Đó hoàn toàn không phải là phản ánh mang tính bản năng, di truyền mà là phản ánh thông qua những tác động tích cực của con người với thế giới xung quanh. Càng tác động vào tự nhiên bao nhiêu chúng ta càng hiểu về giới tự nhiên bấy nhiêu. Khi ăn chúng ta hiểu về những gì chúng ta ăn, khi làm chúng ta hiểu về những gì chúng ta làm, khi sống, học tập, nghiên cứu chúng ta hiểu về về vũ trụ, về con người. Những hiểu biết ấy được tích lũy thành tri thức. Rồi nhờ có những tri thức ấy loài người lại tác động trở lại thế giới nhiều hơn, hiệu quả hơn. Những điều ấy chỉ có thể thực hiện được dựa trên phản ánh sáng tạo của ý thức. Vậy phản ánh sáng tạo của ý thức là sự phản ánh như thế nào? Đó tất nhiên không là sự phản ánh thụ động. Nghĩa là ý thức không phải là một cái máy ảnh, chỉ biết sao chụp nguyên xi hiện thực. Trước thế giới khách quan, ý thức không phản ánh tất cả mọi hiện tượng như nhau mà phản ánh có chọn lọc, phản ánh những cái cơ bản nhất mà con người quan tâm. Copernicus, Galileo thì chú tâm quan sát vào các ngôi sao trong hệ mặt trời bằng kính viễn vọng. Đac-uyn thì chú trọng đến thực vật, động vật. Michael Faraday thì chú trọng vào điện năng, còn phật giáo lại chú tâm đến trái tim của con người... điều gì cần quan tâm thì ý thức của chúng ta tập trung, chăm chú vào đó. Và có khi là dồn hết cả tâm trí vào cho một cái gì đó mà quên đi tất cả những cái xung quanh, những cái khác nữa trong hiện thực. Hơn nữa, phản ánh sáng tạo của ý thức còn là sự phản ánh có cải biến. Đó có thể là tưởng tượng (các cô tiên, chúa, thượng đế, ma, quỷ...) hay các ảo tưởng (thiên đường, địa ngục...), những cái không có thực trong hiện thực. Cũng có thể là sự phản ánh sai lệch hiện thực (từ lâu con người cho trái đất là trung tâm của vũ trụ, mặt trời hình tròn còn trái đất hình vuông...). Điều tuyệt diệu là ý thức còn có khả năng phản ánh vượt trước, đưa ra những dự báo, dự đoán trong tương lai (nghĩa là thực tiễn bây giờ chưa đến nhưng trong tương lai sẽ đến đúng như thế). Điều mà chỉ trong xã hội loài người mới có đó, là phản ánh sáng tạo của ý thức còn bắt chước những quy luật của tự nhiên để con người tạo ra những thứ chưa hề có trong tự nhiên nhưng giống như thiên nhiên hay gần giống với thiên nhiên để phục vụ đời sống con người. Như quy luật nước chảy vào chỗ trũng, từ đó con người biết làm ra chén uống nước. Cái chén chưa hề có trong tự nhiên. Nhờ đó ý thức góp phần sáng tạo ra thế giới thông qua lao động của con người. Ngày nay xã hội sống không phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, không sống trong môi trường tự nhiên thuần túy mà sống trong một thiên nhiên thứ hai được nhân tạo hóa bởi con người. Nền văn minh vật chất mà chúng ta được thừa hưởng như ngày nay chỉ có được bởi phản ánh sáng tạo của ý thức thông qua lao động của con người. Con người tạo ra những vật phẩm vật chất ấy đâu phải chỉ bằng đôi tay, bằng sức lao động cơ bắp. Chúng ta tạo ra được nền văn minh vật chất còn phải có lao động trí tuệ miệt mài, phải có sự có mặt của óc sáng tạo con người. Công việc ấy không bao giờ thiếu được ý thức, thiếu được sự phản ánh sáng tạo của ý thức. Ý thức đã phản ánh thế giới, nhận biết các hiện tượng của tự nhiên với những tính chất, quy luật của nó. Rồi dựa vào những tính chất, quy luật đó con người bắt chước tự nhiên để tạo ra những thứ giống gần giống như tự nhiên, thậm chí giống như tự nhiên, hay mới lạ không có trong tự nhiên để phục vụ cuộc sống con người. Như vậy, ý thức không chỉ phản ánh thế giới mà còn góp phần sáng tạo ra thế giới. Quá trình ấy không có điểm dừng. Ngược lại, con người ngày càng nhận thức thế giới nhiều hơn, sâu sắc hơn và thông qua lao động con người cũng sáng tạo ra nền văn minh vật chất ngày một nhanh hơn, phong phú hơn, hiện đại hơn. Ý thức là món quà tặng vô giá mà tạo hóa đã ban cho loài người, chúng ta hân hạnh được đón nhận điều đó. Với tặng phẩm lớn lao vô giá đó, chúng ta đừng làm phá sản những khả năng tốt đẹp vốn có ấy của mình. Hãy phát triển những khả năng tốt đẹp ấy lên. Hãy tin tưởng vào chính bản thân mình và sử dụng những khả năng ấy để không ngừng sáng tạo phục vụ đời sống con người./. Hoàng Thị Tâm Giảng viên khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh |