Giai cấp công
nhân Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa
của thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội
phong kiến với hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp
nông dân; duy trì nền kinh tế lạc hậu dựa vào sản xuất tiểu nông là chính, cơ
sở kinh tế công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Sau khi cuộc xâm lăng và bình
định đã cơ bản hoàn thành, thực dân Pháp liền bắt tay tiến hành khai thác thuộc
địa lần thứ nhất với quy mô mở rộng ra cả nước. Các nhà máy rượu bia, vải sợi,
điện nước, ngành đường sắt, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê... lần lượt ra đời
và cùng với đó đội ngũ những người công nhân Việt Nam đầu tiên được hình thành.
Họ là những người nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, những người thợ thủ công
bị phá sản buộc phải vào làm việc trong các doanh nghiệp tư bản Pháp. Theo số
liệu thống kê trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tổng số công nhân của
Việt Nam khoảng trên 10 vạn người, chủ yếu tập trung ở một số thành phố lớn
như: Hà Nội, Sài Gòn - Chợ Lớn, Hải Phòng và vùng mỏ Quảng Ninh...
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, để bù đắp
những tổn thất, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai
với quy mô và tốc độ lớn hơn trước. Chúng tăng cường đầu tư vào các ngành khai
khoáng, giao thông vận tải, đồn điền, công nghiệp chế biến, dệt may... nhằm
tăng cường vơ vét và bóc lột ở các nước thuộc địa. Thời kỳ này, số lượng công
nhân Việt Nam đã phát triển nhanh chóng lên đến trên 22 vạn người vào đầu năm
1929.
Dưới
sự áp bức bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam
đã đoàn kết, tổ chức tập hợp nhau lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình
thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 1920,
người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội Ba Son ở
Sài Gòn, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân
tộc.
Trong
suốt quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước, giai cấp công
nhân luôn là lực lượng nòng cốt, nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Chính những cống
hiến bền bỉ, trí tuệ và sáng tạo của người lao động góp phần làm nên những
thành tựu đáng tự hào của Việt Nam. Đặc biệt là sau gần 40 năm đổi mới, trong
đó có hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008, về tiếp tục xây
dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng giai
cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đạt được những kết quả quan trọng:
Giai cấp công nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng,
bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, có tay nghề, kỹ năng cao, đóng
góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cho đến nay,
công nhân nước ta đã có hơn 15 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng
lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Công nhân, lao
động nước ta có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lao động, tác
phong công nghiệp ngày càng cao. Đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt
27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu
làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao, như dầu khí, điện lực, điện tử
viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học... (1). Trong quá trình thực hiện đường
lối đổi mới, trình độ học vấn của công nhân, người lao động nước ta không ngừng
được nâng cao. Công nhân, người lao động là lực lượng có khả năng sáng tạo
trong sản xuất và đời sống xã hội, thích ứng nhanh với cơ chế mới và tiếp cận
nhanh với khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, có vai trò quan trọng quyết định
tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Giai
cấp công nhân Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong trong sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí
thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới chính là đạt
được hai mục tiêu chiến lược 100 năm: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập
Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung
bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát
triển, thu nhập cao.
Bên cạnh
những kết quả đã đạt được, việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại,
lớn mạnh còn những hạn chế, bất cập. Số lượng, chất lượng giai cấp công nhân,
lao động nước ta chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại
hoá trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đào tạo, bồi
dưỡng công nhân, người lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thị
trường. Một bộ phận công nhân nước ta giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị
còn thấp, không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn
chế; chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng, bàng quan, thờ ơ trước các sự kiện chính
trị - xã hội, vận mệnh của dân tộc. Mặc dù các nghị quyết của Đảng đã nêu những
quan điểm, giải pháp lớn để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn
mạnh nhưng chậm được thể chế hóa, cụ thể hoá, hoặc thực hiện chưa có hiệu quả,
chưa thật sự đi vào cuộc sống. Một số thách thức mới đã được Tổng Bí thư Tô Lâm
chỉ ra trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng
sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, đó
là: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản
xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc trong lực lượng sản xuất, dẫn
đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực
hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản
cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Lực lượng sản xuất mới đang hình
thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách
so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi
dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công
nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo
kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất”. Sứ mệnh của
giai cấp công nhân hiện đại không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số
mà còn là nhân tố chủ lực trong quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới
tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.
Trong
bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, để bảo đảm giai
cấp công nhân Việt Nam vượt qua những thách thức, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên
mới của dân tộc, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai
cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh như trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
xác định yêu cầu: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản
lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong
công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư”.
Để phát
huy vai trò tiên phong trong kỷ nguyên mới, giai cấp công nhân Việt Nam cần phải:
Thứ
nhất, tiếp tục khẳng
định và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đồng thời kiên quyết đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân
của Đảng.
Thứ
hai, có những chính sách nhằm phát triển
giai cấp công nhân trong bối cảnh hiện nay thể hiện ở việc chú trọng xây dựng
môi trường xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất. Đặc biệt cần chú trọng đến
chính sách việc làm, chính sách nhà ở, chính sách bảo hiểm, chính sách tiền
lương, chính sách ưu đãi tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh những công
nhân có tay nghề giỏi… để tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút ngày càng nhiều
lao động vào làm việc.
Thứ
ba, bản thân người công nhân cũng cần
phát huy khả năng của mình trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,
ngoại ngữ, trong đó nổi bật là khả năng ứng dụng, thích nghi và làm chủ công
nghệ mới. Họ cần tham gia thực hành tiết kiệm và là lực lượng tiên phong trong
việc chống lãng phí.
Thứ tư, các cấp,
ngành, địa phương cần chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công
nhân, người lao động. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công
nhân, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức
công đoàn và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Thứ năm, tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả tổ
chức, nội dung lẫn phương thức hoạt động, theo tinh thần Nghị quyết số
02-NQ/TW, ngày 12/6/2021, của Bộ Chính trị, “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của
Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, yêu cầu nổi bật là đa dạng
hóa các hình thức vận động, tập hợp quần chúng, để ngày càng động viên, thu hút
được đông đảo công nhân, người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập
công đoàn và tự giác tham gia hoạt động công đoàn... Hoạt động của công đoàn phải
hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân, viên chức, người
lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động làm mục tiêu hoạt động.
Thông qua hoạt động công đoàn góp phần xây dựng giai cấp công nhân không ngừng
lớn mạnh, thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn mới, cùng dân
tộc bước vào kỷ nguyên mới.
Thích ứng với kỷ nguyên phát triển mới - thời đại của hội nhập, chuyển
đổi số và khát vọng vươn lên của dân tộc, công nhân Việt Nam cần phải có những
thay đổi để khẳng định vai trò là lực lượng trụ cột trong sự phát triển kinh tế
- xã hội; chủ động nâng cao kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng số và khả năng
thích ứng với công nghệ mới. Không ngừng học tập, sáng tạo, tích cực tham gia
vào Phong trào “Bình dân học vụ số”, làm chủ công nghệ để trở thành những
“chiến sĩ tiên phong” trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo./.
(1)
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/ 2018/1005802/ xay-dung-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-dai%2C-lon-manh.aspx
Th.s Phạm Bích Hoa
GVC, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng |